5 bí quyết để trở thành nhà quản lý giỏi

Thảo luận trong 'Quan hệ lao động' bắt đầu bởi alicenguyen, 5/12/16.

Đã xem: 655

  1. alicenguyen Thành Viên

    5 BÍ QUYÊT TRỞ THÀNH NHÀ QUẢN LÝ GIỎI

    Để trở thành sếp không khó. Tuy nhiên, để trở thành sếp giỏi, được nhân viên nể phục và kính trọng rất quan trọng và cần thiết. Bạn cần nỗ lực không ngừng, tự tích lũy những kiến thức từ thực tế công việc và luôn sẵn sàng học hỏi từ kinh nghiệm của những nhà quản lý đi trước. Các bí quyết sau đây được đúc kết từ kinh nghiệm của những nhà quản lý hàng đầu, hy vọng là những chia sẻ hữu ích cho bạn.

    1. Chọn phong cách quản lý phù hợp nhất với bạn

    Văn hóa quản lý lâu nay vẫn được xem là cấu thành bởi rất nhiều phong cách quản lý khác nhau, bao gồm: quyết đoán, độc đoán chuyên quyền, tổng thể, thủ lĩnh, đối tác, điều khiển, trực tiếp, ủy thác, tự do, ủng hộ, định hướng, nhóm… Song trên thực tế, theo các nhà nghiên cứu chỉ có ba phong cách quản lý cơ bản là: quản lý trực tiếp; quản lý dựa trên nền tảng của sự trao đổi, thảo luận và quản lý ủy thác.

    Mỗi phong cách quản lý trên đều có những điểm tích cực và hạn chế nhất định, song chúng khác nhau ở một số điểm cơ bản như: cách truyền đạt mệnh lệnh; cách thiết lập mục tiêu; ra quyết định; quá trình kiểm soát và sự ghi nhận kết quả.

    Mặc dù là ba phong cách quản lý khác nhau, song không nhất thiết một nhà quản lý chỉ áp dụng một loại phong cách quản lý nhất định trong quá trình điều khiển và giám sát công việc. Nó chỉ mang một ý nghĩa tương đối và được xác định hoặc thay đổi tùy vào những hoàn cảnh cụ thể của từng nhà quản lý.

    Hãy tạo điều kiện tối đa để nhân viên của bạn yêu thích và hào hứng với công việc được giao nhưng vẫn cần ra những quyết định dứt khoát để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

    2. Lắng nghe ý kiến của nhân viên

    Một số nhà quản lý thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý của một “kẻ lớn”, nên việc lắng nghe những ý kiến tán thành của nhân viên thì dễ, nhưng chuyện tiếp nhận ý kiến trái chiều thì vô cùng khó chịu. Điều này làm cho nhân viên ngại nói thẳng, ngại đóng góp trong công việc vì không muốn rơi vào mối quan hệ không tốt hoặc không muốn đôi co với sếp, dần dần mọi việc sẽ do sếp quyết định và sếp trở thành người độc đoán trong cái nhìn của nhân viên.

    Một nhà quản lý thành công sẽ nhận ra rằng một ý kiến đúng hay không đúng không phải do xuất xứ mà là ở nội dung của ý kiến đó. Và lợi ích của việc nhà quản lý biết lắng nghe gắn liền với thành công trong công việc của họ và cũng là của doanh nghiệp.

    Sau đây là một số cách giúp các nhà quản lý thể hiện thái độ “lắng nghe chân thành” của mình với thuộc cấp:

    - Thể hiện thái độ luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ hồi đáp nào từ nhân viên.

    - Chủ động dành thời gian lắng nghe và trả lời bất cứ thắc mắc nào của nhân viên về công việc.

    - Lắng nghe lời góp ý với thái độ chân thành, cởi mở nhất.

    - Dù góp ý của nhân viên không như ý muốn thì sếp cũng nên lắng nghe hết câu nói và đưa ra nhận định của mình, đồng thời có lời cảm ơn đến góp ý của họ.

    Để trở thành một nhà quản lý thành công và người quản lý được nhân viên tôn trọng và yêu mến thực sự, các sếp không chỉ “biết lắng nghe” mà quan trọng hơn là phải thực lòng với điều đó.

    3. Đặt ra mục tiêu công việc và tiêu chuẩn đánh giá thành tích rõ ràng

    Để quản lý hiệu quả và tránh bị gắn mác là một nhà quản lý chi li (micro-manager), khi mỗi ngày phải “theo dõi” xem nhân viên đã làm công việc được giao tới đâu, hãy đặt ra mục tiêu công việc thật rõ ràng cho nhân viên của bạn theo tuần, tháng hoặc quý.

    Để tiêu chuẩn đánh giá được rõ ràng và công bằng, bạn cần đặt ra các mục tiêu công việc thật thông minh (SMART), nghĩa là Cụ thể (Specific), Đo lường được (Measurable), Khả thi (Achievable), Thực tế (Realistic), và Đúng hạn (Timely), theo thang điểm đánh giá từ 1 đến 5 (1: chưa đạt, 5: xuất sắc).

    4. Tạo động lực để nhân viên làm việc tốt nhất

    Công việc nhàm chán và quá dễ dàng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho nhân viên nghỉ việc. Vì vậy việc khích lệ tinh thần và tạo cơ hội để nhân viên thể hiện được hết khả năng của mình là vô cùng quan trọng! Hãy thiết kế công việc thật thú vị với mục tiêu vừa đủ thách thức để tạo sự hứng khởi và hướng nhân viên của bạn đạt đến mục tiêu này. Bạn cũng đừng quên gắn liền công việc với thế mạnh và lĩnh vực đam mê của từng nhân viên. Ví dụ bạn đừng giao công việc cần sự tập trung cao và tĩnh lặng như viết lách hay phân tích sô liệu cho một nhân viên chỉ thích đi đó đi đây và ngược lại.

    Để quản lý hiệu quả, bạn còn cần hiểu rõ các tác nhân khiến cho nhân viên làm việc hết mình. Đó có thể là tiền lương thỏa đáng, điều kiện làm việc tốt, sự công nhận thành tích từ người quản lý, mối quan hệ tốt đẹp đối với đồng nghiệp, với sếp…. Ngoài ra hiểu rõ sự quan trọng của chỉ số xúc cảm (Emotional Intelligence), bạn sẽ làm cho nhân viên “tâm phục, khẩu phục” và cống hiến hết mình.

    5. Lời cảm ơn

    Hãy nhớ rằng thành tích của bạn, nhà quản lý, được xây dựng trên chính thành quả công việc của nhân viên. Nếu bạn là nhà quản lý tốt, nhân viên của bạn sẽ đạt được thành quả cao nhất. Vậy bạn đừng quên thể hiện lòng trân trọng của mình đối với sự đóng góp nhiệt tình của nhân viên. Dựa theo bảng phân công công việc SMART ở mục 3, bạn cần đề xuất công ty tưởng thưởng xứng đáng cho nhân viên có thành tích làm việc tốt, và đề bạt thăng chức họ. Song song đó, một cái bắt tay thật chặt, một nụ cười động viên, một cái vỗ vai thân tình… còn là những hình thức động viên có giá trị hơn cả những phần thưởng vật chất.

    Để trở thành nhà quản lý giỏi, điều quan trọng bạn cần nhớ là hãy tự tin vào khả năng và tâm huyết của mình. Thực tế bạn cần cả chữ “tâm” và “tài” trong công tác quản lý. Vậy bạn hãy quản lý nhân viên của mình với cái đầu lạnh và trái tim nóng bạn nhé.
     
    Đang tải...
    nam lim xanh

    Bình Luận Bằng Facebook